HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG SÁCH
Có thể xem đây là một cuốn sách nhập môn về chính trị học. Tác giả đã sử dụng tài liệu tham khảo là những cuốn sách giáo khoa về chính trị của các nước Mỹ, Anh, Ấn Độ, Philippines, đồng thời cố gắng diễn đạt bằng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu nhất. Đối tượng độc giả của cuốn sách là những người chưa biết gì về chính trị, hoặc đã từng nghe, đọc sơ sơ về những khái niệm căn bản như “dân chủ”, “tự do”, “nhân quyền”, “công lý”, “bình đẳng”. Và như đã trình bày ở phần Lời nói đầu, cuốn sách này cung cấp những kiến thức căn bản mà tất cả người dân ở các nước dân chủ đều biết; do đó, xin mạo muội khuyên rằng: Tất cả độc giả là công dân Việt Nam cũng nên đọc nó.
Phần I, “Chính trị là gì?”, nêu một số trong những định nghĩa quan trọng nhất về chính trị. Các định nghĩa đó rất hữu ích cho bạn tìm hiểu về các hoạt động chính trị.
Phần II, “Chính quyền và nhà nước”, giới thiệu sơ qua cho độc giả Việt Nam hai khái niệm trung tâm của chính trị học: chính quyền và nhà nước.
Phần III, “Dân chủ”, xoay quanh một trong các khái niệm gây tranh cãi nhất ở người Việt Nam mỗi khi luận bàn chuyện chính trị: dân chủ.
Phần IV, “Các chủ nghĩa”, nói về một số chủ nghĩa, hay là ý thức hệ, phổ biến, mà người Việt Nam ít nhiều đều nghe nhắc đến: chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa bảo tồn (bảo thủ), chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa dân tộc… Khi nói về chủ nghĩa dân tộc, chương này cũng bổ sung thêm khái niệm lòng yêu nước.
Phần V, “Tương tác chính trị”, xoay quanh các hoạt động chính trị phổ biến trong mọi xã hội (kể cả Việt Nam): làm truyền thông, tuyên truyền, thành lập và hoạt động đảng phái, bỏ phiếu và bầu cử, hoạt động xã hội dân sự, phong trào xã hội…
Phần VI, “Bộ máy nhà nước”, giới thiệu với độc giả các mô hình tổ chức bộ máy nhà nước chung nhất của thế giới. Đặc biệt, nó cung cấp thêm cho bạn kiến thức về hệ thống hành chính và hai lực lượng có vai trò rất phức tạp dưới chính quyền của đảng Cộng sản Việt Nam: công an và quân đội.
Đầu mỗi phần đều có một vài dòng tóm tắt nội dung chính của cả phần đó.
Ngoài ra, sau mỗi chương, có thể có thêm các bài đọc với chủ đề liên quan đến nội dung của từng chương.
Trong sách, tên riêng của các đảng chính trị được viết hoa. Từ “đảng” nếu không phải ở đầu câu hoặc nằm trong các đoạn trích, thì chỉ được viết thường, không viết hoa thành “Đảng” (để bạn đọc không hiểu thành “đảng Cộng sản Việt Nam”)