Chương III

NHÀ NƯỚC


Rộng hơn khái niệm chính quyền là khái niệm nhà nước. Nó có hai nghĩa, tức là có hai cách hiểu về khái niệm này.

CÁCH HIỂU 1: NHÀ NƯỚC LÀ QUỐC GIA

Nhà nước là gì, ví dụ khi ta nói “Nhà nước CHXHCN Việt Nam”, “Nhà nước Palestine”, “Nhà nước Do Thái”?

Theo James Garner, nhà nước là một cộng đồng người chiếm hữu một lãnh thổ xác định, hoàn toàn không chịu sự kiểm soát từ bên ngoài, và sở hữu một chính quyền có tổ chức màtất cả cư dân sinh sống trong lãnh thổ đó đều phải phục tùng.1

Định nghĩa của Garner đã bao gồm đủ bốn yếu tố căn bản của một nhà nước: con người (dân), lãnh thổ (đất), chính quyền, và chủ quyền hay quyền tối cao.

1. Dân

Người ta hay nói phải có nhà nước, mới có công dân (người mang quốc tịch của nước đó). Nhưng cũng phải có dân mới có nhà nước. Các nhà tư tưởng Hy Lạp cổ đại cho rằng dân số của một nước không nên quá đông mà cũng không nên quá thưa. Cần phải đủ đông để sản xuất của cải vật chất nuôi nhau, và đủ ít để dễ cai quản. Plato cho rằng số dân lý tưởng của một thành bang như Athens hay Sparta là ở mức 5.040 người. Triết gia Pháp Rousseau lại ấn định 10.000 người là số dân lý tưởng của một nhà nước.

2. Lãnh thổ

“Không có đất thì không có nước”. Không có một lãnh thổ xác định thì không thể có nhà nước, nói cách khác, không tồn tại một nhà nước không có lãnh thổ. Lãnh thổ bao gồm không chỉ đất đai mà cả nước – hồ, sông, biển…– và vùng không trung bên trên đó.

3. Chính quyền trong quan hệ với nhà nước

Chính quyền, như chúng ta đã thấy trong phần định nghĩa ở trên, “là một tập hợp các cá nhân và thiết chế với chức năng làm ra và thực thi luật pháp trong và cho một xã hội” (Austin Ranney). Ở đây, trong quan hệ với nhà nước, chính quyền là công cụ, là bộ máy để thông qua đó nhà nước tồn tại và thực thi các chức năng của nó, và mọi người dân có thể cùng chung sống với nhau. Nói cách khác, chính quyền là cỗ máy vận hành của nhà nước.

Các chức năng mà nhà nước thực hiện thông qua bộ máy chính quyền gôm những gì? Là bảo đảm trật tự và an ninh trong xã hội, quốc phòng (bảo vệ đất nước khỏi các thế lực ngoại xâm), thực thi công lý, thúc đẩy thịnh vượng về kinh tế và sự phát triển… Bạn đọc chúý là trong các chức năng ấy, không có chức năng “trấn áp các thế lực phản động trong nước”. Chính vì thế mà Nhà nước Việt Nam cộng sản thường phải mượn danh nghĩa “bảo đảm trật tự và an ninh” để đàn áp các lực lượng chính trị đối lập mà họ dán nhãn chung là“phản động”, “thế lực thù địch”.

Bạn cũng chú ý: Nhà nước và chính quyền là hai khái niệm khác nhau. Nhà nước rộng hơn chính quyền, bao gồm cả chính quyền và người dân. Trong khi đó, chính quyền không bao gồm dân.

Một điều quan trọng nữa là, chính quyền có thể thay đổi, có thể được thành lập mới hoặc bị lật đổ, xóa bỏ đi để một chính quyền mới thay thế. Nhưng nhà nước là vĩnh cửu, không thay đổi, chừng nào còn duy trì được cả bốn yếu tố căn bản của nó: dân, đất, chính quyền, chủ quyền.

4. Chủ quyền

Chủ quyền, hay quyền tối cao, là quyền ra quyết định cuối cùng và là quyền cao nhất, không còn quyền lực nào ở trên nó nữa.

Chủ quyền có hai loại: chủ quyền đối nội và chủ quyền đối ngoại.

  • Chủ quyền đối nội: Nhà nước có quyền lực tối cao đối với tất cả các công dân của nó, tất cả người dân sinh sống trong lãnh thổ của nhà nước đó.
  • Chủ quyền đối ngoại: Nhà nước độc lập khỏi bất kỳ sự kiểm soát nào từ bên ngoài lãnh thổ của nó.

Với định nghĩa trên của James Garner, hẳn các bạn cũng thấy, nhà nước (tiếng Anh: state) và quốc gia (tiếng Anh: nation) là hai khái niệm đồng nghĩa, và chúng đều bao gồm bốn yếu tố nêu trên: dân, đất, chính quyền, chủ quyền.

CÁCH HIỂU 2: NHÀ NƯỚC LÀ CHÍNH QUYỀN

Cách hiểu thứ hai gân gui hơn vơi đa sô người Việt. Dân Việt Nam, khi nghe thấy từ “nhà nước”, thường nghĩ ngay đến chính quyền, ví dụ như trong cụm từ đã quá quen thuộc: “Đảng và Nhà nước” (chữ đảng viết hoa để chỉ đảng Cộng sản Việt Nam).

Ở Việt Nam, cách hiểu này phổ biến hơn cách hiểu thứ nhất.

Còn chính quyền là gì thì mời bạn xem lại Chương I, “Định nghĩa chính quyền”, của Phần II này.

* * *

Một vài khái niệm khác

Nếu hiểu nhà nước là quốc gia (theo cách hiểu thứ nhất), thì trong tiếng Anh có khái niệm nation-state. Nhiều người dịch nó sang tiếng Việt là“quốc gia dân tộc”– một từ rất khó hiểu, tối nghĩa. Đúng ra thì phải chuyển ngữ nó như thế nào?

Nation-state là một loại hình nhà nước nối kết thực thể chính trị của nó với thực thể văn hóa của dân tộc. Từ điển Oxford định nghĩa nation-state “là một nhà nước co chủ quyền, trong đó đa số công dân của nó được thống nhất với nhau bởi các yếu tố định hình một dân tộc, như ngôn ngữ và nguồn gốc chung”. Nation-state là một sự đồng nhất hóa giữa nhà nước và dân tộc.

Vây, nation-state là một nhà nước mang tính chất một quốc gia, khác với city-state là một nhà nước ở quy mô thành phố. City-state dịch là thành bang, còn nation-state có thể được dịch là“nhà nước độc lập”, “quốc gia độc lập”.

Nhà nước có gì khác với đất nước(tiếng Anh: country)? Nhà nước là một thực thể chính trị-pháp lý, trong khi đất nước là một thực thể mang tính văn hóa-sắc tộc. Nhà nước phải có chủ quyền (chủ quyền là một trong bốn yếu tố căn bản xác lập nên một nhà nước), trong khi một đất nước có thể không có chủ quyền – chẳng hạn bị mất chủ quyền vào tay ngoại xâm. Điều quan trọng là người dân của đất nước ấy, về mặt tâm lý, vẫn coi họ là dân một nước, cùng chia sẻ một đất nước chung, cùng chia sẻ một ý chí chung là được chung sống với nhau trong một đất nước, ngay cả khi nhà nước của họ mất chủ quyền.

“Chữ S thân yêu”. Ảnh: Lê Thế Thắng (Thắng Sói).

Thế còn dân tộc là gì? Từ “dân tộc” trong tiếng Việt có hai nghĩa.

Nghĩa thứ nhất là nhân dân. Chẳng hạn khi ta nói: “Dân tộc Việt Nam là một”, câu này hàm ý toàn thể nhân dân Việt Nam đều thống nhất.

Nghĩa thứ hai là sắc dân, sắc tộc, ví dụ khi ta nói “người dân tộc thiểu số”, “dân tộc Kinh”, “dân tộc H’mong”, “dân tộc Tày”, hay “người Thượng”, “người Ba-na”… Ở đây, một dân tộc được hiểu là một cộng đồng người có chung một nền văn hóa, lịch sử, và đặc biệt, chung một cách giải thích về nguồn gốc của họ. Chẳng hạn, người Kinh (chiếm 90% dân số Việt Nam) cho rằng họ là con cháu vua Hùng; tổ tiên của họ là mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân, hai vị tiên và rồng này kết hợp với nhau sinh ra trăm người con, trong đó có các vua Hùng. Còn người Mường lại có cách lý giải khác về sự xuất hiện của dân tộc Mường, đó là tích “Chim Ây, Cái Ứa”.

Việt Nam có 54 sắc dân, hay thường được gọi là“54 dân tộc anh em”.

Một người H’mong thi leo cột mỡ lấy bim bim trong lễ hội xuống đồng ở Sapa (sau Tết âm lịch). Ảnh: Lê Thế Thắng (Thắng Sói)

results matching ""

    No results matching ""