Chương V
MỘT SỐ CHỦ NGHĨA KHÁC
Chủ nghĩa phát xít
Hẳn bạn đã từng nghe đâu đó nói, chủ nghĩa phát xít cũng như chủ nghĩa cộng sản, là đại họa của nhân loại. Tuy nhiên, điều thú vị là hai chủ nghĩa này cũng chống nhau kịch liệt. Vậy chúng có gì chung, có gì riêng?
Chủ nghĩa phát xít nổi lên từ đầu thế kỷ 20 với hai đại diện là Benito Mussolini (Ý, cầm quyền từ năm 1922 đến năm 1943) và Adolf Hitler (Đức, cầm quyền từ năm 1933 đến năm 1945).
Chủ nghĩa phát xít là một cuộc nổi loạn chống lại tất cả triết học, tư tưởng Tây phương từ thời Cách mạng Pháp: chống chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa bảo tồn, chủ nghĩa cộng sản. Người ta cho rằng nó ra đời vì một số nguyên nhân như sau:
- Sự trỗi dậy của tình cảm dân tộc, của lòng tự tôn dân tộc bị tổn thương đối với ý và đức sau hiệp ước versailles.
- Lạm phát phi mã và khủng hoảng kinh tế;
- Bất ổn xã hội – công nhân đình công đòi tăng lương, nông dân mất đất…
- Sự suy yếu của nền dân chủ đại nghị - nhiều đảng phái nổi lên, chính phủ không ổn định…
- Nỗi sợ chủ nghĩa cộng sản, sau khi đảng Bolshevik chiếm chính quyền ở Liên Xô (1924).
Chủ nghĩa phát xít dẹp bỏ các khái niệm duy lý, tự do, bình đẳng, bác ái, v.v. và được cấu thành bởi một loạt khái niệm mà nó tôn vinh, như “đấu tranh”, “lãnh tụ”, “quyền lực”, “chủ nghĩa anh hùng”, “chiến tranh”… Nó cổ súy hình ảnh một cộng đồng quốc gia thống nhất, đoàn kết, với khẩu hiệu chính “đoàn kết là sức mạnh”. Tuy tôn vinh hình ảnh anh hùng nhưng chủ nghĩa phát xít lại có mâu thuẫn là với nó, cá nhân chẳng là gì, cá nhân phải hòa mình hoàn toàn vào cộng đồng, phải cống hiến và phụng sự thì mới cóý nghĩa.
Con người lý tưởng của chủ nghĩa phát xít là cá nhân được dẫn dắt bởi nhiệm vụ, danh dự và sự hy sinh; sẵn sàng cống hiến đời mình cho vinh quang của đất nước và dân tộc; phục tùng lãnh tụ tối cao vô điều kiện.
Đến cuối thế kỷ 20, chủ nghĩa phát xít mới, hay tân phat xit (neo-fascism), nổi lên như một cách phản ứng với khủng hoảng kinh tế và bất ổn chính trị sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ.
Sự khác biệt giữa phát xít Ý và phát xít Đức
Chủ nghĩa phát xít ở Ý có đặc trưng là trọng nhà nước, do đó nó còn được coi là chủ nghĩa trọng nhà nước, chủ nghĩa nhà nước, trung ương tập quyền: Cho rằng sự can thiệp của nhà nước là cách tốt nhất để giải quyết các vấn đề chính trị, để phát triển kinh tế-xã hội; nhà nước là cơ chế để tổ chức các hành động tập thể và thực hiện các mục tiêu chung. Do đó, phục vụ nhà nước là phục vụ ý chí chung, phục vụ lợi ích cộng đồng – một nghĩa vụ cao cả. Cá nhân phải tôn sùng và tuyệt đối trung thành với nhà nước, như Gentile (1875-1944) đã nói: “Tất cả vì nhà nước; không có gì chống lại nhà nước; không có gì nằm ngoài nhà nước”.
Chủ nghĩa phát xít trọng nhà nước ở Ý thể hiện ở các chính sách: quốc hữu hóa, tập thể hóa, nhà nước quản lý kinh tế, xây dựng tập đoàn nhà nước…
Chủ nghĩa phát xít ở Đức tự nhận nó là chủ nghĩa xã hội quốc gia, gọi tắt là quốc xã. Nó được xây dựng trên nền tảng chính yếu là sự phân biệt chủng tộc, gồm hai trụ cột là thuyết chủng tộc thượng đẳng (chủng Arya) và thuyết bài Do Thái.
* * *
Chủ nghĩa vô chính phủ
Chủ nghĩa vô chính phủ gắn với các yếu tố đặc trưng sau: tự nguyện, tự quản, không nhà nước, không phân chia thứ bậc địa vị.
Những người theo thuyết vô chính phủ chủ trương rằng luật pháp, chính quyền và nhà nước đều là không cần thiết; quyền lực chính trị dưới mọi hình thức, nhất là dưới hình thức nhà nước, là xấu xa tồi tệ. Họ cổ súy xã hội không có nhà nước, trong đó, các cá nhân tự do tự giải quyết mọi việc thông qua thỏa thuận và hợp tác tự nguyện.
Như vậy, ở khía cạnh cổ súy chủ nghĩa cá nhân và tôn sùng tự do cá nhân, chủ nghĩa vô chính phủ có phần chịu ảnh hưởng và giống với chủ nghĩa tự do. Còn ở khía cạnh nhấn mạnh các yếu tố cộng đồng, hợp tác, bình đẳng, sở hữu chung, thì nó lại chịu ảnh hưởng và giống với chủ nghĩa xã hội.
Pierre-Joseph Proudhon, một đại diện của chủ nghĩa vô chính phủ, cổ súy chủ nghĩa tương hỗ, theo đó, các cộng đồng nhỏ của những cá thể độc lập như nông dân, thợ thủ công, v.v có thể sống tốt dựa trên trao đổi công bằng, bình đẳng, tránh xa mọi sự bất công và bóc lột của chủ nghĩa tư bản. Một đại diện khác là Peter Kropotkin thì cổ súy sở hữu chung, phi tập trung hóa, tự quản.
Tinh thần vô chính phủ đã lẽ đã có từ thời Trang Tử với biểu hiện là sự thù ghét cường quyền, chống lại chính quyền. Trang Tử nói: “Kẻ ăn cắp vặt thì bị tống giam. Đạo tặc ăn cướp thì thành vua một nước”. Thế kỷ 20, danh hài Charlie Chaplin (vua hề Sác-lô) cũng là một người vô chính phủ nổi tiếng. Ông từng phát biểu: “Nói về chính trị thì tôi là người vô chính phủ. Tôi ghét nhà nước, luật lệ và xiềng xích. Tôi không thể chịu được cảnh thú vật bị nhốt trong chuồng. Con người phải tự do”.
Tự do cá nhân có lẽ là điểm hấp dẫn nhất của chủ nghĩa vô chính phủ. Dù vậy, bạn biết không: Điều thú vị là so với tất cả các ý thức hệ khác, trên thế giới, chưa từng có một đảng phái nào theo chủ nghĩa vô chính phủ mà giành được chính quyền!
* * *
Chủ nghĩa môi trường
Chủ nghĩa môi trường chớm hình thành từ cuối thế kỷ 19 với tinh thần chống lại cuộc cách mạng công nghiệp đang dâng lên và lan rộng. Bước sang thế kỷ 20, chủ nghĩa môi trường lớn mạnh dần trước đà phát triển của kinh tế, công nghiệp, công nghệ hạt nhân, mưa axit, tầng ozone bị thủng và xuất hiện hiện tượng biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu...
Đặc điểm nổi bật của chủ nghĩa môi trường là sự phản đối quan điểm coi con người là trung tâm của sự phát triển. Đối với chủ nghĩa này, con người chỉ là một phần của thiên nhiên, trái đất là một sinh thể (nên được gọi là mẹ thiên nhiên, mẹ trái đất). Người theo chủ nghĩa môi trường có xu hướng ủng hộ đạo Lão, đạo Phật, Thiền (Zen), là những đạo cổ súy sự trở về với thiên nhiên, sống hợp lẽ tự nhiên…
Chủ nghĩa môi trường cũng chia làm hai trường phái chính:
- Trường phái ôn hòa: cổ súy cho các chính sách và lối sống lành mạnh về mặt môi trường, sinh thái.
- Trường phái quyết liệt: đặt hệ sinh thái lên trước tất cả các loài, kêu gọi bảo vệ hành tinh và cả nhân loại.
* * *
Tôn giáo thuần túy
Tôn giáo thuần túy làý thức hệ quan niệm rằng tồn tại một sự thật, hay là chân lý, căn bản cần được mặc khải, đời sống xã hội và chính trị cần được tổ chức trên cơ sở các nguyên tắc tôn giáo và sự thật hay chân lý căn bản đó. Kết quả của nó là nhà nước thần quyền – nơi nhà nước và nhà thờ bất khả phân. Để hiểu rõ về nó, ta có thể tìm hiểu một ý thức hệ đối lập với nó, là chủ nghĩa thế tục; chủ nghĩa này cho rằng tôn giáo không được can thiệp vào các vấn đề thế tục, và nỗ lực tách nhà thờ, nhà chùa... khỏi nhà nước, tách thần quyền khỏi chính quyền.
Tôn giáo thuần túy chia ra rất nhiều trường phái, tương ứng với những tôn giáo hoặc giáo phái khác nhau. Ví dụ như Thiên Chúa giáo thuần túy chủ trương chống nạo thai, vận động tổ chức cầu nguyện tập thể trong trường học, vận động phục hồi các giá trị gia đình truyền thống… Do Thái thuần túy chống Palestine, chống việc trao đất của người Do Thái cho nhà nước Palestine. Hindu thuần túy chống thế tục hóa kiểu phương Tây, chống đạo Hồi, đạo Sikh...
* * *
Chủ nghĩa cộng đồng
Chủ nghĩa cộng đồng nổi lên từ thập niên 1980, với hai đại diện xuất sắc là Michael Sandel (1962- ) và Robert Putnam (1941- ). Độc giả Việt Nam, nếu quan tâm đến triết học, hẳn đã biết đến các bài giảng nổi tiếng tại Đại học Harvard của Giáo sư Michael Sandel, được tập hợp lại trong cuốn sách “Phải trái đúng sai” hay dịch sát nghĩa từ tiếng Anh là“Công lý: Việc đúng nên làm” (Justice: What’s the right thing to do?).
Chủ nghĩa cộng đồng phê phán gay gắt chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa cá nhân. Để hiểu tại sao lại như vậy, ta có thể tìm hiểu bối cảnh ra đời của nó: Vào thập niên 1980 ở các nước phương Tây, chủ nghĩa cá nhân đang trỗi dậy, thay thế cho chủ nghĩa tập thể. Thị trường tự do thay thế kế hoạch hóa nhà nước. Tự do thay thế bình đẳng, và nhà nước tối thiểu thay thế nhà nước trung ương hành chính quan liêu. Hậu quả là tinh thần cộng đồng bị xói mòn khủng khiếp trong xã hội công nghiệp.
Robert Putnam viết trong cuốn “Bowling alone: The collapse and revival of American community” (tạm dịch: Chơi bowling một mình: sự sụp đổ và sống lại của cộng đồng Mỹ, 2000): “Bowling đã làm suy yếu nền dân chủ Mỹ. Dân chủ đòi hỏi chúng ta phải nghĩ về mình như là thành viên của một xã hội chung, chứ không phải như một cá nhân. Ấy thế nhưng chúng ta không chơi thể thao, chúng ta không đi câu lạc bộ, chúng ta không tham gia các đảng chính trị, chúng ta không đi nhà thờ, và rất nhiều người trong chúng ta thậm chí không biết tên hàng xóm nhà đối diện”. “Cuối thế kỷ 20, người Mỹ chơi bowling nhiều hơn. Nhưng nước Mỹ lại có ít đội/ liên đoàn bowling hơn”.
Những nhận định đó đã tóm tắt đầy đủ sự sa sút của tinh thần cộng đồng trong một xã hội phương Tây điển hình như nước Mỹ.
Ra đời trong bối cảnh xã hội đó, chủ nghĩa cộng đồng nhấn mạnh mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng. Cộng đồng ấy có thể là gia đình, trường học, là những người sống trong một diện tích địa lý cụ thể, hay một nhóm người chia sẻ một lợi ích chung, hay một nhóm người chia sẻ một lịch sử chung.
Chủ nghĩa cộng đồng phê phán chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa cá nhân, cho rằng chúng làm suy yếu vốn xã hội, trong khi vốn xã hội là yếu tố chủ chốt để xây dựng và duy trì nền dân chủ, và là một trong ba yếu tố cấu thành nên sự phát triển của cá nhân. Để phát triển thì cá nhân cần vốn vật chất (công cụ lao động), vốn văn hóa hay vốn con người (giáo dục, bằng cấp), và vốn xã hội, tức mạng lưới quan hệ. Những người theo chủ nghĩa cộng đồng quan niệm như vậy.
* * *
Chủ nghĩa nữ quyền
Chủ nghĩa nữ quyền nổi lên từ phong trào đòi quyền bỏ phiếu cho nữ giới lần thứ nhất (những năm 40-50 của thế kỷ 19), gọi là“làn sóng thứ nhất”, và tiếp tục “làn sóng thứ hai” vào những năm 60 và 70 của thế kỷ 20.
Như tên gọi của nó, chủ nghĩa nữ quyền đòi thúc đẩy vai trò xã hội của phụ nữ, cổ súy bình đẳng về quyền và cơ hội cho phụ nữ.
“Tôi chưa từng nghe người đàn ông nào hỏi xin lời khuyên làm sao để kết hợp hài hòa giữa hôn nhân và sự nghiệp”.
(Gloria Steinem, nhà nữ quyền nổi tiếng)
Tuy nhiên, dù cùng có nội dung đòi thúc đẩy vai trò xã hội của phụ nữ và cổ súy bình đẳng, nhưng bản thân những nhà nữ quyền rất không thống nhất. Chủ nghĩa nữ quyền chia làm ba trường phái khác nhau:
- Trường phái quyết liệt: quan niệm nam giới là kẻ thù của nữ quyền, là đối tượng áp chế nữ giới.
- Trường phái trung dung: quan niệm phụ nữ cần được bình đẳng về quyền và cơ hội với nam giới, và nam giới cũng góp phần vào bình đẳng giới.
- Trường phái bảo thủ: phụ nữ có thể được đối xử tốt hơn so với trong quá khứ, nhưng dù gì họ vẫn luôn là“phái yếu” và do vậy cần được đối xử tương ứng.