Chương II

CHỦ NGHĨA TỰ DO


Chủ nghĩa tự do mà chúng ta bàn ở đây là chủ nghĩa tự do cổ điển. Đó là một ý thức hệ dựa trên việc tôn sùng chủ nghĩa cá nhân, tự do, sự bao dung và đồng thuận. Nó là sản phẩm triết học của phương Tây thời tiền công nghiệp, được hình thành vào cuối thế kỷ 18.

CÁC YẾU TỐ CẤU THÀNH CHỦ NGHĨA TỰ DO

Nói tới chủ nghĩa tự do là người ta nói đến các yếu tố cấu thành nên nó, như sau:

  1. Chủ nghĩa cá nhân;
  2. Tự do;
  3. Lý trí, sự duy lý;
  4. Bình đẳng;
  5. Tinh thần khoan dung, chấp nhận;
  6. Sự đồng ý tự nguyện (đồng thuận);
  7. Hợp hiến.

1. Chủ nghĩa cá nhân

Gọi là“chủ nghĩa”, có nghĩa là nó cũng là một ý thức hệ, tức một tập hợp các quan điểm, quan niệm. Tôn vinh chủ nghĩa cá nhân được coi là nguyên tắc cốt lõi của chủ nghĩa tự do, không có chủ nghĩa cá nhân thì không tồn tại chủ nghĩa tự do. Cụ thể, chủ nghĩa cá nhân:

  • Coi cá nhân quan trọng hơn bất kỳ tổ chức hay cộng đồng nào(cá nhân quan trọng hơn tập thể)
  • Coi con người trước hết là những cá nhân bình đẳng về giá trị
  • Cho rằng xã hội tốt đẹp là xã hội để cho mỗi cá nhân phát triểnbản thân, theo đuổi lợi ích riêng phù hợp với khả năng của mình.


Đừng bao giờ quên rằng chỉ có cá chết mới trôi theo dòng.

Hình vẽ và câu nói trên đây thể hiện đúng tinh thần của chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tự do: Cá nhân quan trọng hơn cộng đồng; sự độc lập của cá nhân khỏi cộng đồng là điều tốt và cần được khuyến khích. Chủ nghĩa cá nhân không chấp nhận việc xóa bỏ cái tôi, hòa tan cái tôi vào tập thể.

Nếu bạn là người mê điện ảnh Mỹ thì hẳn bạn sẽ thấy triết lý này thể hiện rất rõ trong các bộ phim hành động của Hollywood, nơi nhân vật chính diện thường xuyên “một mình cứu cả thế giới”. Trong quá trình làm việc tốt giải cứu thế giới ấy, anh ta (vâng, thường đó là nam giới – cac nha điên anh Hollywood vôn co tiêng trong nam khinh nư) luôn mưu trí, sáng tạo và đặc biệt, rất can đảm, sẵn sàng chống lệnh cấp trên hoặc chống lại cả một tập thể để làm điều anh ta cho là đúng (và quả thật, anh ta đúng).

2. Tự do

Đây là giá trị cốt lõi của chủ nghĩa tự do. Theo triết lý của chủ nghĩa tự do thì tự do được đặt cao hơn cả bình đẳng và công lý. Tuy nhiên, chủ nghĩa tự do vẫn chấp nhận “tự do trong khuôn khổ pháp luật” để tự do của người này không ảnh hưởng đến tự do của người khác.

Đến đây, một câu hỏi thuộc phạm trù triết học, triết học chính trị được đặt ra: Tự do là gì? Chúng ta sẽ dành ít phút để làm rõ khái niệm này.

Xưa nay đã có nhiều triết gia định nghĩa về tự do. Ví dụ, độc giả Việt Nam hẳn là đã quen thuộc với định nghĩa của Friedrich Hegel (1770-1831): “Tự do là cái tất yếu được nhận thức”. Nó được đưa hẳn vào chương trình giáo dục công dân hay có thể coi như chương trình triết học căn bản phổ thông trong các trường học ở Việt Nam.

Để làm cho định nghĩa của Hegel trở nên dễ hình dung hơn, giáo viên có thể giải thích: “Đây nhé, các em là học sinh, nghĩa vụ của các em là đến trường, đi học. Khi đi học thì phải làm bài đầy đủ, thi cử nghiêm túc. Đó là những nghĩa vụ tất yếu. Các em ý thức được đó là cái tất yếu thì các em sẽ học hành chăm chỉ, không trốn tiết, bỏ thi, và cứ làm đúng như thế là các em có tự do. Nếu không làm đúng như thế thì các em sẽ bị trừng phạt, tức là bị kỷ luật, bị thầy cô giáo và cha mẹ nhắc nhở và mất tự do. Như thế nghĩa là tự do là nhận thức cái tất yếu”.

Có thể bạn sẽ thấy với định nghĩa này, tự do vẫn có cái gì đó hạn hẹp quá, trong khuôn khổ quá. Tóm lại, nó không thỏa đáng. Một triết gia khác, John Locke (1632-1704), đưa ra định nghĩa: “Tự do là khả năng con người có thể làm bất cứ điều gì mà mình mong muốn mà không gặp bất kỳ cản trở nào”.

Căn cứ vào định nghĩa của Locke, rõ ràng là nếu ai cũng có thể làm bất cứ điều gì mình mong muốn mà không gặp bất kỳ cản trở nào, thì cuối cùng tự do của người này sẽ xâm phạm và cản trở tự do của người kia; hay nói cách khác, tự do của người này đồng thời lại là sự mất tự do của người kia. Có thể nào như vậy chăng? Định nghĩa này xem ra cũng không thỏa đáng lắm.

Năm 1958, triết gian gười DoThái IsaiahBerlin (1909-1997), sinh tại Nga nhưng di tản sang Anh, đã có một bài giảng nổi tiếng nhan đề “Hai khái niệm tự do” (Two Concepts of Liberty). Ông cho rằng, tồn tại hai loại, hay nói đúng hơn, hai cách hiểu về tự do: Tự do không và Tự do có.1

Theo Berlin, tự do không là cách hiểu chung của Thomas Hobbes, John Locke, Friedrich von Hayek và Ludwig von Mises về tự do, theo đó, tự do là khả năng một người có thể làm bất cứ điều gì mình muốn mà không chịu sự can thiệp nào từ bên ngoài. Từ gốc trong tiếng Anh là “negative freedom”, trong đó từ “negative” có thể được dịch sang tiếng Việt là âm tính, phủ định, tiêu cực, thụ động. Tuy nhiên, tự do không hoàn toàn không mang nghĩa tiêu cực, mà chỉ hàm ý là không có sự can thiệp từ bất cứ ai/cái gì bên ngoài. Hiểu như vậy thì chính tự do không mới là tự do tuyệt đối.

Friedrich vonHayek (1899-1992) cho rằng hình thức can thiệp phá vỡ tự do nhất là sự cưỡng chế, cưỡng ép – tức là những hành động có chủ ý của một/các cá nhân khác nhằm khống chế, kiểm soát môi trường hoặc hoàn cảnh của một người nào đó, buộc người ấy phải hành động (hoặc không hành động) không theo ý chí thống nhất của mình mà là theo ý muốn của một/các cá nhân khác đó.

Định nghĩa của Hayek về sự cưỡng chế, cưỡng ép có hai điểm quan trọng là “hành động có chủ ý” và “của cá nhân khác”. Ví dụ, nếu bạn bị rơi xuống hang và bị kẹt trong đó, không ra được, thì như thế không phải là mất tự do. Chỉ khi có kẻ nào đó đẩy bạn vào hang và/hoặc nhốt bạn trong hang (có chủ ý) thì khi ấy bạn mới mất tự do. Ngay cả nếu kẻ kia chỉ vô tình khóa bạn lại trong một căn buồng (không chủ ý) thì cũng không thể nói bạn mất tự do được.

Ngoài ra, nếu bạn bị cản trở hành động bởi những nguyên nhân bên trong bạn (không phải các tác nhân bên ngoài) thì đó cũng không phải là sự can thiệp làm mất tự do. Một người tàn tật, ốm yếu chẳng hạn, không thể đi bộ băng qua đường nếu không có ba- toong hay xe lăn, thì cũng vẫn được coi là tự do: Anh/chị ta có quyền tự do sang đường.

Từ việc tự do không hàm ý không có sự can thiệp, có thể suy luận rằng tự do có là thứ tự do có điều kiện. Tự do có là việc một người có thể và thực sự có khả năng hành động theo ý nguyện của mình. Nói cách khác, cá nhân có tự do này khi anh/chị ta làm chủ chính mình và có thể tự chịu trách nhiệm về hành động của bản thân.


Nếu bạn theo thuyết “tự do có (điều kiện)” thì người tàn tật là người không tự do.

Nếu bạn theo thuyết “tự do không (điều kiện)” thì người tàn tật vẫn là người tự do, nếu không bị bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài.

Như vậy, một người tàn tật, ốm yếu, không thể đi bộ băng qua đường dù muốn lắm, thì là người mất tự do. Anh/chị ta bị hạn chế tự do bởi vì không làm chủ được cơ thể mình, đôi chân của mình. Những người nghèo, dù được toàn quyền mua nhà ở, thức ăn nước uống, quần áo, nhưng không có nổi tiền để mua những thứ đó dù rất muốn, thì cũng là không có tự do. Anh/chị ta bị hạn chế tự do bởi vì không có đủ năng lực (tài chính) để hành động theo ý nguyện cá nhân.

Một triết gia đại diện cho cách hiểu này về tự do là Jean Jacques Rousseau (1712-1778).

Từ hai khái niệm về tự do nói trên, bạn có thể thấy: Theo quan điểm của những người ủng hộ tự do không, nhà nướctôn trọng tự do của người dân là nhà nước tối thiểu, ít can thiệp nhất có thể. Còn đối với những người theo quan niệm về tự do có, nhà nước tôn trọng tự do của dân là nhà nước có những biện pháp để thúc đẩy xã hội theo hướng họ muốn, ví dụ xóa đói giảm nghèo để tăng năng lực cho một bộ phận dân chúng, đánh thuế để điều chỉnh thu nhập của người giàu và chia cho người nghèo, v.v.

Isaiah Berlin cho rằng cách hiểu về tự do theo nghĩa tự do có thật ra rất nguy hiểm vì nó gợi ý khả năng một hoặc một số người tự cho mình quyền phán xét xem ai đang tự do, ai đang không tự do. Trên bình diện xã hội, nó mở đường cho việc nhà nước can thiệp, định hướng, và kịch bản tồi tệ nhất là trở thành chuyên chế.

3. Lý trí, sự duy lý

Chủ nghĩa tự do cho rằng mỗi cá nhân đều có khả năng ra các quyết định duy lý có lợi cho mình. Do đó, triết lý tin rằng con người có thể giải quyết khác biệt thông qua tranh biện thay vì bạo lực. Dựa trên nền tảng chủ nghĩa tự do, các nhà kinh tế học cổ điển và tân cổ điển cho rằng bản chất của con người là duy lý, tự chủ vàích kỷ (theo đuổi tư lợi), và một cách tự nhiên, trong quá trình con người hành động duy lý vì lợi ích cá nhân, xã hội cũng được hưởng lợi và trở nên thịnh vượng.

Như vậy, từ góc nhìn của chủ nghĩa tự do, duy lý là một phẩm chất tốt. Người duy lý là người hành động theo một cách có lý, có logic, thay vì cảm tính, thậm chí bản năng như con vật.

Chỉ tiếc là, duy lý được thì tốt nhưng trên thực tế người ta lại không duy lý. Vào những năm 1970, hai nhà tâm lý học Amos Tversky và Daniel Kahneman đã nghiên cứu cách não bộ xử lý thông tin, đối chiếu với các mô hình kinh tế, và rồi rút ra một kết luận: Khi đối diện với tình huống bất trắc, con người không hề hành xử duy lý, cũng chẳng bừa phứa ngẫu nhiên, mà là theo những quy tắc được tự hình thành từ trước, có thể dự đoán, và bị ảnh hưởng bởi kinh nghiệm và/hoặc môi trường. Ví dụ, ai đã từng bị bỏng khi sờ tay vào chảo nóng thì có xu hướng sẽ cẩn thận hơn sau này, mỗi khi cầm chảo.

Tất nhiên, kết luận của Tversky và Kahneman cũng chỉ là một trong vô vàn lý thuyết. Nhưng nói chung, con người không duy lý, bởi nếu duy lý họ đã không ồ ạt mua/bán chứng khoán, đổ xô đi rút tiền ngân hàng, hút thuốc lá đến khan cả cổ hay làm nhiều chuyện khác không mang lại tư lợi cho họ. Thế nên các nhà tâm lý học và kinh tế học hành vi mới cho rằng giả định “con người duy lý” là một giả định sai; con người có xu hướng phản ứng với cảm xúc (yêu, ghét, phấn khích, ghen tuông, đau khổ…) hơn và chính vì thế họ trở thành cảm tính, phi lý trí.

Đặc biệt, trong những tình huống bất trắc, thì đám đông ai cũng phi lý trí cả. Đòi hỏi sự duy lý ở cộng đồng mạng, nhất là trong một bối cảnh chính trị rối ren, lòng dân vốn đã đầy ức chế và bức xúc, là một đòi hỏi ngớ ngẩn.

Duy lý là một đặc điểm tốt, có lợi cho người có nó và mọi người xung quanh (tức là tốt cho cả cá nhân và cộng đồng). Tuy nhiên, dường như cái gì tốt thì hiếm, trong thực tế chúng ta khó mà đạt được sự duy lý luôn luôn trong suy nghĩ và hành động. Nếu học về kinh tế hay luật thì bạn hẳn là đã nghe nhắc đến ví dụ: Ai cũng biết hút thuốc lá là có hại cho sức khỏe, không hút thì có lợi hơn, ít nhất cũng đỡ hại hơn, và vì thế nếu suy nghĩ một cách duy lý, theo đuổi lợi ích riêng, thì không ai lại hút thuốc lá. Nhưng thực tế là rất nhiều người vẫn hút, thậm chí còn nghiện.


11:59 đêm: Tôi sắp đi ngủ…

5:30 sáng: Sao tôi lại vẫn ngồi đây, đọc Wikipedia về lý thuyết hạt nhân cao cấp?

Dù vậy, duy lý, có lý trí, vẫn là một đặc trưng của chủ nghĩa tự do.

“Người duy lý thích nghi với thế giới. Người phi lý trí kiên trì, cố gắng làm cho thế giới thích nghi với mình. Do đó, mọi sự tiến bộ đều trông cậy vào người phi lý trí”.

(George Bernard Shaw)

4. Bình đẳng

Triết học chính trị đề cập tới hai khái niệm hay là hai loại bình đẳng khác nhau:

-Bình đẳng về cơ hội, hay là bình đẳng về đầu vào;

-Bình đẳng về kết quả, hay là bình đẳng về đầu ra.

Bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ (công bố vào ngày 4/7/1776) nêu rõ: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng”. Chúng ta ghi nhận tính nhân văn của nguyên tắc này, tuy nhiên, thực tế rõ ràng là tất cả mọi người đều sinh ra khác nhau về đủ thứ và bất bình đẳng về nhiều thứ. Trong cuộc sống, tất cả mọi người cũng khác nhau và hoàn toàn có thể bất bình đẳng về trí tuệ, tài năng, ngoại hình, sức khỏe, quốc tịch, giai cấp, thành phần xã hội, ý chí… Do đó, sự bình đẳng về kết quả (về đầu ra) là không thể có. Vì vậy, có lẽ nên hiểu “tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng” là một sự khẳng định nguyên tắc bình đẳng về cơ hội (đầu vào) thì đúng hơn.

Cá nhân người viết cho rằng nguyên tắc bình đẳng lý tưởng nhất là tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng về nhân quyền.

Chủ nghĩa tự do gắn với tôn trọng nhân quyền và bình đẳng, và bản thân khái niệm nhân quyền cũng dựa trên cây cột trụ có tên “bình đẳng”: Nhân quyền là những quyền cơ bản, phổ quát của tất cả mọi người; tất cả mọi người sinh ra đềubình đẳngvề nhân quyền. Tôn trọng nhân quyền cũng có nghĩa là đòi hỏi mọi người phải được đối xử với sự tôn trọng như nhau, ví dụ như không thể có chuyện “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một con trai cũng là có, mà 10 con gái cũng là không). Tương tự, không thể quan niệm “nhân quyền Mỹ” thì khác với “nhân quyền Việt Nam”, người Mỹ có thể tự do phát triển mọi năng lực bản thân còn dân Việt Nam thì chỉ cần “có cơm ăn áo mặc” là đủ rồi.

Chủ nghĩa tự do cổ súy nhân quyền và bình đẳng, nhưng không phải bình đẳng chung chung. Chủ nghĩa tự do ủng hộ bình đẳng về cơ hội, và phản đối bình đẳng về kết quả, coi đó là một sự cào bằng. Những người theo chủ nghĩa tự do đề cao một xã hội phát huy tối đa năng lực, khả năng cá nhân (giải phóng cái tôi), ai có tài thì hưởng thành công, ai bất tài thì phải chấp nhận thất bại. Trong tiếng Anh, xã hội này được gọi là“meritocracy” (chưa có từ tiếng Việt tương ứng).

5. Tinh thần khoan dung, chấp nhận

Khoan dung là sự sẵn sàng để người khác suy nghĩ, nói và hành động theo cách mà mình không tán thành. Chủ nghĩa tự do cổ súy đa nguyên và tự do quan điểm, cũng có nghĩa là tính khoan dung, bao dung là một thuộc tính bắt buộc của nó.

6. Đồng thuận

Chủ nghĩa tự do cho rằng quyền lực và quan hệ xã hội phải dựa trên nguyên tắc đồng thuận: tự nguyện thỏa thuận và tự nguyện đồng ý. Xã hội vận hành trên cơ sở một khế ước được mọi người đồng thuận. Tổ chức vận hành trên cơ sở điều lệ được mọi người đồng thuận.

7. Hợp hiến

Hợp hiến, tuân thủ hiến pháp, hay dịch sát nghĩa từ “constitutional” là“mang tính chất hiến pháp”, nghĩa là mang tính chất của một thứ luật cơ bản, nguồn của các luật, quy định về tổ chức bộ máy nhà nước, quyền hạn của nhà nước, quan hệ giữa nhà nước với người dân, và quyền của người dân (nhân quyền, dân quyền).

Nói cách khác, hợp hiến tức là cho rằng quyền lực của nhà nước phải bị giới hạn để nhà nước không lạm quyền và do đó, đảm bảo nhân quyền. Chủ nghĩa lập hiến (constitutionalism) làý thức hệ cho rằng quyền lực của nhà nước phải bị giới hạn để nhà nước không lạm quyền và nhờ đó đảm bảo nhân quyền.

Hợp hiến, theo nghĩa đó, là một trong các thành tố của chủ nghĩa tự do. Người theo chủ nghĩa tự do quan niệm chính quyền có nghĩa vụ đảm bảo trật tự, ổn định nhưng trên thực tế, chính quyền luôn có nguy cơ độc tài, chà đạp quyền con người. Do đó, cần phải cổ súy mô hình nhà nước nhỏ gọn, thu hẹp quyền lực nhà nước bằng cơ chế cân bằng quyền lực và một bản hiến pháp bảo vệ nhân quyền, bảo vệ người dân khỏi nhà nước.

results matching ""

    No results matching ""