Chương I
ĐỊNH NGHĨA DÂN CHỦ
Có nhiều định nghĩa về dân chủ. (Trong khoa học chính trị, dường như khái niệm nào cũng có nhiều hơn một định nghĩa, và định nghĩa nào cũng đúng). Sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu hai định nghĩa, một của Austin Ranney, một của Schmitter và Karl. Sở dĩ tác giả chọn hai định nghĩa này để giới thiệu với bạn đọc Việt Nam là bởi vì từ chúng, ta có thể mở rộng phân tích được nhiều điều khác cũng rất bổ ích.
ĐỊNH NGHĨA DÂN CHỦ CỦA AUSTIN RANNEY1
Dân chủ là một hình thức tổ chức chính quyền theo các nguyên tắc sau:
- Quyền quyết định tối cao thuộc về người dân;
- Tất cả mọi người đều bình đẳng về chính trị;
- Tất cả mọi người đều được có tiếng nói;
- Đa số thống trị; thiểu số phải theo đa số.
Sau đây, chúng ta sẽ đi sâu vào từng nguyên tắc.
1. Quyền quyết định tối cao thuộc về người dân
Nguyên tắc này có nghĩa là: Quyền quyết định tối cao thuộc về tất cả mọi người chứ không phải một cá nhân (như trong chế độ độc tài cá nhân) hay một nhóm người (độc tài tập thể). Mọi người đều tham gia quyết định một cách trực tiếp (dân chủ trực tiếp) hoặc ủy quyền cho đại diện thay mặt mình quyết định (dân chủ đại diện).
Một nguyên tắc xem ra không có gì khó hiểu. Chỉ có ba điểm mà bạn cần lưu ý: 1. Từ “mọi người” ở đây được hiểu là mọi công dân có đầy đủ năng lực hành vi. 2. Chúng ta đang nói về “quyền quyết định tối cao”– nghĩa là quyền ra quyết định cuối cùng trong các vấn đề quan trọng của cả cộng đồng, chứ không phải quyền ra quyết định về đủ mọi vấn đề; 3. Trong chế độ dân chủ đại diện, việc người dân ủy quyền cho đại diện không có nghĩa là người dân mất quyền tham gia và quyết định.
2. Mọi người đều bình đẳng về chính trị
Những chính trị gia mị dân có thể ưa thích câu nói: Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng. Nhưng thật ra, như chúng ta đều thấy, con người sinh ra vốn dĩ không bình đẳng, mà khác nhau (và chênh lệch) về đủ thứ – chủng tộc, ngoại hình, thể trạng, trí tuệ, hoàn cảnh gia đình v.v. Sinh ra đã không bình đẳng thì quá trình lớn lên, trưởng thành và cuộc sống sau này càng không thể bình đẳng với nhau.
Vì thế cho nên bản Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hợp Quốc đã phải điều chỉnh nhận định trên thành: Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng về nhân phẩm và quyền.
Còn nguyên tắc thứ hai về tổ chức chính quyền một cách dân chủ theo Austin Ranney, chỉ là“mọi người đều bình đẳngvề chínhtrị” mà thôi, và bình đẳng về chính trị có nghĩa là bình đẳng về cơhội gây ảnh hưởng tới chính sách: Tất cả mọi người đều có cơ hội như nhau để gây ảnh hưởng tới chính sách công, tới tiến trình ra quyết định tối cao.
“Cơ hội như nhau để gây ảnh hưởng” đó được cụ thể hóa hơn nữa, thành: Tất cả mọi người đều có các quyền về chính trị như nhau.
Quyền chính trị là những quyền của công dân được tham gia một cách cóý nghĩa vào tiến trình chính trị của nhà nước. Chúng bao gồm: quyền bầu cử (bỏ phiếu); quyền ứng cử và tranh cử; quyền thành lập và tham gia các tổ chức, hội nhóm, kể cả đảng phái chính trị… mà không bị phân biệt đối xử.
Có một sự khác biệt thú vị giữa quan niệm về “bình đẳng về chính trị” của các nước phương Tây tự do và các nước cộng sản. Triết lý dân chủ tự do của phương Tây cho rằng, bình đẳng về chính trị, tức bình đẳng về khả năng gây ảnh hưởng, nghĩa là bình đẳng về các quyền chính trị. Còn các nước cộng sản lại tư duy khác: Bình đẳng về khả năng gây ảnh hưởng tức là bình đẳng về khả năng kiểm soát các nguồn lực kinh tế, phương tiện truyền thông đại chúng, v.v. Với tư duy này, họ can thiệp vào thị trường để hỗ trợ, nâng đỡ những đối tượng họ cho là cần “tạo điều kiện”, kìm kẹp, gây thiệt hại những đối tượng họ cho là cần kiềm chế, và luôn cố gắng đảm bảo mỗi ngành nghề, mỗi địa phương đều có phương tiện truyền thông đại chúng (báo chí, đài phát thanh-truyền hình…) riêng – nhưng tất cả lại không độc lập mà phải do họ “quản lý”.
3. Tất cả mọi người đều được có tiếng nói
Với nguyên tắc này, mọi nền dân chủ đều phải đảm bảo những cơ chế mà thông qua đó, tất cả mọi người đều được tham vấn, được cóý kiến trong tiến trình hoạch định chính sách.
Những cơ chế đó là gì? Có thể bạn đã nhìn ra một số rồi: một nền truyền thông tự do, một hệ thống giáo dục tự do, tư pháp độc lập, mọi công dân đều có quyền tự do tư tưởng, tự do biểu đạt, tự do học thuật, và còn nhiều nữa.
4. Đa số thống trị (đa số thắng thiểu số)
Đây có lẽ là nguyên tắc đáng chán nhất trong các nguyên tắc của dân chủ. Theo đó, khi có mâu thuẫn, bất đồng, chính quyền phải hành động theo ý nguyện của đa số.
Trong nhiều trường hợp, điều đó không tránh khỏi khiến thiểu số bất mãn. Sự bất mãn nếu quá lớn, hoặc nếu cứ kéo dài, thường xuyên và liên tục, không được giải quyết, có thể sẽ đẩy mâu thuẫn tới chỗ bùng nổ thành xung đột trong xã hội, và đây là một hệ quả tồi của dân chủ.
Làm thế nào để giải quyết vấn đề đa số thống trị thiểu số, gây bất mãn? Câu trả lời là: Phải làm sao để tất cả mọi người trong xã hội đều đồng ý với nhau về luật chơi, chứ họ không nhất thiết phải đồng ý về kết quả cuộc chơi. Tương tự như trong bóng đá: Bạn có thể phẫn nộ trước việc đội tuyển U-20 Việt Nam thua Thái Lan, vì cho là kết quả thi đấu đó quá vô lý, nhưng bạn vẫn phải chấp nhận các luật chơi của trận bóng, ví dụ như trọng tài là vua trên sân trong thời gian thi đấu.
Vậy, điều quan trọng thứ nhất là phải thiết kế một xã hội sao cho trong xã hội đó, một thiểu số có thể bất mãn lúc này lúc khác về một sự kiện, nhưng không phải là bất mãn về cách thức xã hội vận hành để dẫn đến sự kiện ấy. Ngoài ra, điều quan trọng thứ hai là phải làm sao để mỗi một nhóm thiểu số nào đó đều chỉ bất mãnlúcnày lúc khácthôi, chứ không phải bất mãn thường xuyên, liên tục.
* * *
ĐỊNH NGHĨA DÂN CHỦ CỦA PHILIPPE C. SCHMITTER VÀ TERRY LYNN KARL1
Dân chủ là một hệ thống quản trị đất nước, trong đó,nhà cầm quyền phải chịu trách nhiệm – về tất cả các hoạt động của họ thuộc địa hạt công cộng– trước công dân, và công dân thực thi điều đó một cách gián tiếp thông qua, hay là nhờ có sự cạnh tranh và hợp tác giữa những người đại diện cho họ, do họ bầu ra.
Sau đây, chúng ta phân tích từng khái niệm được đề cập đến trong định nghĩa này:
1. Hệ thống quản trị
Trai lơi cho câu hoi người ta có thể nắm giữ các cơ quan nhà nước chính như thế nào, những ai là người được chấp nhận hoặc bị loại khỏi tiến trình đó, đặc điểm của những người đó là gì, người ta có thể làm gì để vào được cơ quan nhà nước, trong việc ra các quyết định ràng buộc cả cộng đồng thì có những luật lệ, quy tắc gì...
Ta hiểu rằng, “hệ thống quản trị” ở đây cũng giống như “hình thái tổ chức chính quyền” trong định nghĩa của Austin Ranney, và nó cũng chính là“chế độ”. Và dân chủ cũng chỉ là một trong các hệ thống quản trị xã hội, một trong các hình thái tổ chức chính quyền. Ngoài chế độ dân chủ, xã hội loài người còn kinh qua nhiều kiểu chế độ khác, ví dụ như: quý tộc, độc tài, độc tài toàn trị, quân chủ chuyên chế, v.v.
2. Nhà cầm quyền
Hay còn gọi là nhà cai trị. Đó là (những) người nắm quyền lực và có thể ra lệnh cho người khác một cách chính danh – nghĩa là được xã hội chấp nhận.
Bạn có thể nghĩ, nếu vậy thì bằng bạo lực và dối trá, kẻ độc tài cũng có thể buộc cả xã hội phải chấp nhận hắn là nhà cai trị hay sao? Đúng vậy, kẻ độc tài có thừa khả năng để được công nhận là nhà cai trị. Điểm khác biệt với chế độ dân chủ là: 1. Hắn đã có được quyền lực bằng cách nào? (Bằng cách cướp chính quyền, lừa đảo dân chúng, đe dọa và khủng bố dân chúng, hay thông qua một cuộc bầu cử tự do và công bằng?); Hắn có chịu trách nhiệm trước công dân về những hành động của hắn trong địa hạt công cộng hay không, và như thế nào?
3. Địa hạt công cộng
Từ “công” (tiếng Anh: public) có nghĩa là“của chung”, ngược với “tư” là “của riêng” (private). Địa hạt công cộng, theo nghĩa hẹp, là không gian công cộng, tức là tất cả những khu vực mà cộng đồng có thể đến – như đường xá, công viên, quảng trường, các không gian mở... Theo nghĩa rông, nó là lĩnh vực công cộng, gồm toàn bộ những quy tắc, thông lệ mang tính tập thể, ràng buộc xã hội và có sự cưỡng chế thi hành của nhà nước.
Nhà cai trị trong chế độ dân chủ phải chịu trách nhiệm trước công dân về các hành động, hành vi, lời ăn tiếng nói của mình trong địa hạt công cộng, đó là điều chắc chắn. Ở trong không gian tư, của riêng họ, thì vấn đề trách nhiệm mới còn phải xem xét tùy trường hợp.
4. Cạnh tranh và hợp tác
Một trong các lý do dẫn đến tâm lý thù ghét dân chủ, là vì người ta ghét cạnh tranh, ghét các khái niệm “phe phái”, “lợi ích nhóm, hay “nhóm lợi ích”, “tư tưởng cục bộ”... Thế nhưng, cạnh tranh – giữa các chính trị gia, các đảng phái, tổ chức, nhóm lợi ích, phe phái – lại là một nhược điểm cần thiết của dân chủ.
Song song với cạnh tranh là hợp tác. Các chính trị gia hay các phe nhóm cũng thường xuyên phải thỏa hiệp, duy trì hợp tác để có thể cạnh tranh. Và ngay cả người dân cũng phải hợp tác với nhau (thông qua xã hội dân sự) để bảo vệ mình trước chính quyền, không để xảy ra lạm quyền và độc tài. (Xem Chương VI, “Xã hội dân sự”, trong Phần V, “Tương tác chính trị”).
5. Đại diện
Một chế độ dân chủ, nếu không thực thi dân chủ trực tiếp, thì sẽ phải có đại diện cho mỗi cộng đồng, mỗi nhóm lợi ích trong xã hội, để các đại diện đó tham gia vào tiến trình ra quyết định.
Những đại diện ấy là các chính trị gia, tức người làm chính trị chuyên nghiệp, xem làm chính trị là nghề của họ. Xã hội nào, nhà nước nào cũng phải có chính trị gia chuyên nghiệp. Vấn đề chỉ là: Những đại diện đó được chọn ra như thế nào, và sau đó họ phải
chịu trách nhiệm trước người dân về các hành động của họ ra sao.
Bây giờ chúng ta sẽ bàn về vấn đề đại diện.