Chương III
DÂN CHỦ TRỰC TIẾP VÀ DÂN CHỦ ĐẠI DIỆN
Dân chủ là hình thức tổ chức chính quyền với các nguyên tắc chung như nêu trên. Tuy nhiên, cũng có nhiều kiểu chế độ dân chủ, và nhiều cách phân loại dân chủ. Một trong các cách phổ biến là phân loại dân chủ theo tính đại diện. Theo đó, dân chủ được chia thành hai loại: trực tiếp và gián tiếp, tức đại diện.
Dân chủ trực tiếp
Một cách chung nhất, dân chủ trực tiếp là“một hệ thống cho phép tất cả các bên tham gia đều có tiếng nói trong quá trình ra quyết định, thông qua việc tự mình bỏ phiếu, về bất kỳ vấn đề gì được đưa ra”.1
Khi nói về thể chế, dân chủ trực tiếp là chế độ dân chủ mà trong đó:
- Công dân tham gia trực tiếp, liên tục, và không qua trung gian, vào tiến trình ra quyết định tối cao.
- Ranh giới giữa tầng lớp cai trị và tầng lớp bị trị bị xóa bỏ.
- Ranh giới giữa chính quyền và xã hội dân sự bị xóa nhòa.
Dân chủ trực tiếp là hình thức dân chủ đơn giản, sơ khai nhất. Nó ra đời ở thành bang Athens (Hy Lạp cổ đại). Ngày nay, nó vẫn được áp dụng mỗi khi tất cả công dân đều trực tiếp tham gia cho ý kiến về một vấn đề nào đó của quốc gia; ấy là khi diễn ra trưng cầu dân ý.
Dân chủ trực tiếp ra đời từ thành ban Athens (Hy lạp cổ)
Ưu điểm của dân chủ trực tiếp: Đây là hình thức dân chủ thuần khiết nhất: Mọi thành viên của cộng đồng, xin nhấn mạnh là mọi thành viên, đều có quyền ra quyết định. Tất cả đều được trình bày quan điểm và lợi ích mà không phải thông qua chính trị gia hay đảng phái, tổ chức nào. Ai ai cũng được tiếp cận thông tin, có thông tin và có cơ hội hiểu biết.
Nhược điểm của dân chủ trực tiếp thì chắc bạn đọc có thể thấy ngay: Nó quá lý tưởng, và với quy mô dân số như ở các quốc gia hiện nay thì dân chủ trực tiếp trở thành không tưởng.
Dân chủ đại diện
Dân chủ đại diện là dân chủ gián tiếp, tức ngược với dân chủ trực tiếp nói trên. Sự tham gia của công dân vào việc ra quyết định là không thường xuyên, không liên tục, bị giới hạn vào hoạt động bỏ phiếu theo nhiệm kỳ (ví dụ hai năm một lần) để bầu ra người đại diện cho họ.
Ưu điểm của dân chủ đại diện: Nó khắc phục được tính bất khả thi, không tưởng của dân chủ trực tiếp trong những cộng đồng dân số lớn. Ngoài ra, dân chủ đại diện còn có các ưu điểm như: giải phóng dân thường khỏi gánh nặng ra quyết định, tạo phân công lao động trong chính trị; đặt việc cai trị vào tay những người chuyên trách, có thể có kinh nghiệm và chuyên môn hơn.
Nhược điểm của dân chủ đại diện: Bạn hẳn đã thấy ngay dân chủ đại diện không thể nào thuần khiết như dân chủ trực tiếp, và nó chỉ có hiệu quả khi người đại diện được bầu ra thật sự là đại diện của dân, nhờ một cơ chế sàng lọc chính xác và tiến trình bầu cử công bằng, tự do. (Xem Chương IV về bầu cử, thuộc Phần V, “Tương tác chính trị”).