Bài đọc
NẾU ĐÀN ÔNG CÓ KINH NGUYỆT
GLORIA STEINEM
NGUYỄN TRUNG DŨNG(dịch)
Sự giải phóng đến từ chính tư duy tích cực của phụ nữ
Sống ở Ấn Độ khiến tôi hiểu rằng thiểu số những người da trắng trên thế giới đã lừa gạt chúng ta qua nhiều thế kỷ, để khiến chúng ta nghĩ rằng làn da trắng làm cho con người ưu việt hơn, mặc dù điều duy nhất nó thực sự làm là khiến cho con người trở thành nạn nhân của tia cực tím và bị nhiều nếp nhăn hơn.
Đọc Freud làm tôi hoài nghi về sự ghen tị dương vật (khái niệm do nhà phân tâm học Sigmund Freud đưa ra, cho rằng phụ nữ có mặc cảm tự xem mình như những người đàn ông khiếm khuyết vì không có dương vật, chứ không phải như một giới tính riêng – ND). (Chính ra) Khả năng sinh sản khiến cho khái niệm “ghen tị tử cung” nghe có vẻ hợp lý hơn; và một bộ phận nằm bên ngoài cơ thể, không được bảo vệ, như dương vật, phải khiến đàn ông dễ bị tổn thương hơn.
Nhưng gần đây, nghe một phụ nữ kể lại việc hành kinh bất ngờ (một vệt đỏ loang trên váy của cô đúng vào lúc cô đang tranh luận sôi động trên sân khấu nơi công cộng), tôi vẫn co rúm người lại vì xấu hổ. Cho đến khi cô ấy kể rằng, cuối cùng, khi được biết về “sự cố” qua tiếng xì xào của mọi người, cô đã nói với cử tọa – toàn nam giới – như sau: “Các bạn nên tự hào là đã có một người phụ nữ hành kinh trên sân khấu của mình. Thật sự đây có lẽ là điều xảy ra với hội ta lần đầu tiên trong nhiều năm”.
Cử tọa cười ồ. Nhẹ cả người. Cô đã biến một chuyện tiêu cực thành tích cực. Câu chuyện của cô hòa với Ấn Độ và Freud, và rốt cuộc tôi đã hiểu được sức mạnh của tư duy tích cực. Bất kỳ cái gì một nhóm “ưu việt” có cũng sẽ được dùng để biện minh cho tính ưu việt của họ, và bất kỳ cái gì một nhóm “thấp kém” có cũng sẽ bị dùng để biện minh cho hoàn cảnh của họ. Màu da đen khiến tôi phải nhận một công việc với mức lương thấp, vì người ta nói rằng điều đó khiến tôi “mạnh mẽ hơn” người da trắng. Còn tất cả phụ nữ đều làm những công việc với mức lương kém cỏi là bởi vì họ bị cho là“phái yếu”. Khi hỏi một cậu bé có muốn làm luật sư như mẹ mình không, cậu trả lời: “Ồ, không. Đó là công việc của phụ nữ”. Logic chẳng liên quan gì đến sự áp bức.
Đàn ông sẽ “thần thánh hóa” kinh nguyệt nếu…
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu đột nhiên, một cách kỳ diệu, những người đàn ông có thể có kinh nguyệt và phụ nữ không thể?
Rõ ràng, kinh nguyệt sẽ trở thành một điều tuyệt vời, cóý nghĩa, nam tính.
Đàn ông sẽ khoe khoang về việc kỳ kinh kéo dài bao lâu và ra bao nhiêu.
Các chàng trai trẻ sẽ nói về nó như là sự khởi đầu đầy khát khao của tuổi trưởng thành. Quà tặng, các nghi lễ tôn giáo, bữa ăn gia đình, và các bữa tiệc chỉ dành cho đàn ông sẽ đánh dấu ngày này.
Để tránh mất công mất việc hàng tháng trong đội ngũ lãnh đạo, quốc hội sẽ tài trợ cho một học viện quốc gia về chứng đau bụng
kinh. Các bác sĩ sẽ nghiên cứu rất ít về bệnh tim, từ đó đàn ông sẽ được bảo vệ về mặt hormone, mà họ sẽ nghiên cứu mọi thứ, trừ chuột rút.
Băng vệ sinh sẽ được Liên bang tài trợ và cấp phát miễn phí. Tất nhiên, có một số người sẽ vẫn phải trả tiền cho uy tín của các thương hiệu như băng vệ sinh Paul Newman, miếng độn Muhammad Ali, John Wayne Maxi, và Joe Namath Jock Shields màng bảo vệ - “Cho những ngày độc thân nhẹ nhàng”.
Thống kê khảo sát sẽ chỉ ra rằng đàn ông đã thi đấu tốt hơn trong các môn thể thao và giành nhiều huy chương Olympic hơn trong các quãng thời gian giữa kỳ kinh của họ.
Nhìn chung, các chính trị gia thuộc phe hữu và tôn giáo sẽ viện dẫn kinh nguyệt như là bằng chứng để chỉ ra rằng chỉ đàn ông mới có thể phục vụ Thiên Chúa và đất nước trong chiến tranh (“Bạn phải đổi máu lấy máu”), nắm giữ các chức vụ cao (“Liệu phụ nữ có thể dữ dội một cách đúng đắn hay không, khi mà họ thiếu hẳn một chu kỳ hàng tháng được chi phối bởi Hỏa tinh?”), làm linh mục, bộ trưởng, là chính Thiên Chúa (“Ngài đổ máu cho tội lỗi của chúng tôi”), hoặc giáo sĩ Do Thái (“Do hàng tháng không có một cuộc thanh lọc tạp chất, nên phụ nữ không được sạch sẽ”).
Tuy vậy, nam giới theo chủ nghĩa tự do và có quan điểm cực đoan sẽ nhấn mạnh rằng phái nữ có quyền được bình đẳng, chỉ khác biệt thôi; và điều đó có nghĩa là bất kỳ phụ nữ nào cũng đều có thể gia nhập hàng ngũ đàn ông nếu cô ta chịu nhìn nhận tầm quan trọng của các quyền liên quan đến kinh nguyệt (“Mọi thứ khác chỉ là một vấn đề mà thôi”) hoặc chấp nhận tự gây một vết thương lớn cho mình mỗi tháng (“Bạn phải đổ máu cho cách mạng”).
Thanh niên đường phố chế ra tiếng lóng: “Anh ấy là một người đàn ông ba-băng”, và đập tay chào nhau ở góc phố với những trao đổi như:
-Chàng trai, cậu trông thật tuyệt!
-Yeah, cậu. Tớ đang tới tháng!
Các chương trình truyền hình sẽ đề cập tới chủ đề này một cách cởi mở. (Những ngày hạnh phúc: Richie và Potsie cố gắng thuyết phục Fonzie rằng ông vẫn là“The Fonz”, mặc dùông đã mất kinh hai kỳ liên tiếp). Báo chí cũng vậy. (Nguy cơ cá mập biển mùa hè đe dọa đàn ông đang thấy tháng). Phim ảnh nữa. (Newman và Redford trong phim “Những người anh em máu thịt”).
Đàn ông sẽ thuyết phục phụ nữ rằng quan hệ tình dục sẽ thú vị hơn vào “thời điểm đó trong tháng”. Người đồng tính nữ bị cho là sợ máu và do đó sợ chính sự sống, mặc dù có lẽ chỉ vì họ cần một người đàn ông có kinh nguyệt tốt.
Trường y sẽ hạn chế tuyển nữ sinh. (“Họ có thể ngất xỉu khi nhìn thấy máu”).
Tất nhiên, giới trí thức (nam) sẽ đem đến cho ta những lý luận đạo đức nhất và logic nhất. Nếu không có được những món quà sinh học đó để đo chu kỳ của mặt trăng và các hành tinh, thì làm sao một phụ nữ có thể có được bất kỳ một thứ kỷ luật nào, vốn đòi hỏi cảm nhận về thời gian, không gian, toán học, hay khả năng đo đạc? Trong triết học và tôn giáo, phụ nữ làm sao có thể bù đắp được việc họ bị tách rời khỏi nhịp vũ trụ, hay là việc họ không có được cái chết và sự tái sinh mang ý nghĩa biểu tượng, mỗi tháng?
Thời kỳ mãn kinh sẽ được kỷ niệm như một biến cố tích cực, thể hiện ý nghĩa là người đàn ông đã tích lũy đủ năm của sự từng trải mang tính chu kỳ và không cần nhiều hơn nữa.
Nam giới mang tư tưởng tự do sẽ cố tỏ ra tốt bụng: Riêng việc “những người này” (tức phụ nữ – ND) không được tạo hóa ban cho tài năng nào để đo lường cuộc sống hoặc kết nối với vũ trụ đã đủ là hình phạt rồi.
Và phụ nữ sẽ được dạy để có phản ứng như thế nào? Ta có thể hình dung cảnh các phụ nữ truyền thống sẽ chấp thuận tất cả các lý luận như vậy với một thái độ khổ dâm, vẻ trung thành, và một nụ cười. (“ERA sẽ ép các bà nội trợ phải tự làm mình bị thương mỗi tháng”: Phyllis Schlafly. “Máu của chồng bạn cũng thiêng liêng như máu của Jesus, và cũng sexy như thế”: Marabel Morgan). Các nhà cải cách và Queen Bees sẽ ra sức bắt chước đàn ông, và giả vờ có kinh hàng tháng. Tất cả các nhà nữ quyền sẽ không ngớt giảng giải rằng đàn ông cũng cần được giải thoát khỏi quan niệm sai lầm về sự hung hãn của người sao Hỏa, còn phụ nữ cần vượt thoát khỏi sự trói buộc của mối “ghen tị kinh nguyệt” (tức là ghen tị vì mình không có kinh như đàn ông – ND). Các nhà nữ quyền theo trường phái quyết liệt sẽ phát biểu thêm rằng sự áp bức đối với những người không có kinh nguyệt là hình mẫu cho tất cả các hình thức áp bức khác. (“Ma cà rồng là những chiến binh chiến đấu cho tự do đầu tiên”). Các nhà nữ quyền với góc nhìn văn hóa sẽ xây dựng những hình tượng nhân vật không hành kinh trong nghệ thuật và văn học. Các nhà nữ quyền xã hội chủ nghĩa sẽ khẳng định rằng chỉ có dưới chế độ tư bản, đàn ông mới có thể độc quyền ra máu…
Tóm lại, nếu đàn ông có kinh nguyệt, thì những lời biện hộ cho quyền lực của họ có thể sẽ tiếp tục kéo dài mãi mãi.
Nếu chúng ta để cho chúng tiếp tục.