Chương II

CÁC HÌNH THỨC ĐẠI DIỆN


Đại diện theo khu vực địa lý

Đây là hình thức đại diện đơn giản nhất: Cả nước được chia thành nhiều khu vực địa lý, gọi là các đơn vị bầu cử. Việc chia này phải đảm bảo làm sao để các đơn vị bầu cử có số dân tương đương nhau. Mỗi đơn vị bầu cử rồi sẽ chọn ra một đại diện, được bầu ra theo đa số phiếu. Để hệ thống này vận hành hiệu quả thì ranh giới của các đơn vị bầu cử đều phải được định kỳ xác định lại và sửa đổi cho phù hợp với tỷ lệ tăng trưởng dân số.

Ưu điểm của hình thức đại diện này là đơn giản, tiện lợi, cử trichỉ việc bỏ phiếu để chọn ra một đại diện trong đơn vị bầu cử của mình. Cử tri là dân ở đơn vị bầu cử, cho nên họ hiểu địa phương mình, hiểu các vấn đề của địa phương mình hơn người ngoài, và vì thế họ dễ dàng chọn ra đúng người có khả năng đại diện cho họ hơn. Về phía ứng cử viên, hình thức đại diện này ít tốn kém, bởi ứng cử viên chỉ phải vận động tranh cử trong một đơn vị bầu cử, thay vì phải đi khắp cả nước.

Do đơn giản, tiện lợi, dễ thực hiện, nên đây cũng là hình thức đại diện sơ khai nhất, lâu đời nhất.

Nhược điểm của hình thức đại diện theo khu vực địa lý thì khá nhiều:

Thứ nhất là tính cục bộ, địa phương. Cả cử tri lẫn ứng cử viên, trong quá trình tranh cử, đều có xu hướng chỉ quan tâm đến các vấn đề của địa phương mình mà không lưu tâm về các vấn đề của quốc gia. Sau khi trúng cử, vị đại diện được bầu ra cũng sẽ cục bộ như vậy để mong giữ được tín nhiệm của cử tri trong khu vực bầu cử của mình. Và cũng vì cục bộ, cử tri nói chung sẽ thích bầu cho ứng cử viên là người có gốc gác, sinh sống ở địa phương của mình, không bầu cho “người ngoài”, bất kể người ngoài tài đức đến đâu.

Thứ hai là dân số của các đơn vị bầu cử có thể thay đổi (tăng, giảm) theo thời gian, và điều đó ảnh hưởng tới khả năng đại diện của vị đại diện. Do đó, khi đã theo chế độ đại diện theo khu vực địa lý, ranh giới giữa các địa phương thường phải được điều chỉnh – sáp nhập, chia tách, thay đổi – cho phù hợp với dân số. Vấn đề là đảng cầm quyền có thể tranh thủ việc này để thay đổi dân số, thay đổi số phiếu theo hướng có lợi cho mình. Đó là một xảo thuật trong chính trị, gọi là gerrymander.

Gerrymander có nghĩa là hành vi thay đổi đường ranh giới, diện tích, kích thước của một đơn vị bầu cử, nhằm giành lợi thế không chính đáng, không công bằng cho một cá nhân, tổ chức hay đảng phái. Khái niệm này chưa có cách gọi tiếng Việt.

Trong tiếng Anh, gerrymander là từ ghép giữa “gerry” và“mander”. Gerry là họ của Elbridge Gerry (1744-1818), chính trị gia người Mỹ, Thống đốc bang Massachusetts. Còn “mander” xuất phát từ “salamander”, có nghĩa là con rồng lửa.

Vào năm 1812, Thống đốc Gerry đã ký một luật vẽ lại bang Massachusetts nhằm giành lợi thế cho đảng mình trong một cuộc bầu cử thượng viện, và kết quả là đảng Dân chủ-Cộng hòa của ông ta đã chiến thắng. South Essex, một trong các district ở khu vực Boston, sau khi bị vẽ lại, có hình dáng trông rất giống một con rồng lửa. Về sau, báo chí phe đối lập chế ra từ “gerrymander” để chỉ trích ông Thống đốc.

Kinh nghiệm của các nước (như Canada, Úc, Anh và nhiều nước châu Âu) là: Để giảm nguy cơ đảng cầm quyền lợi dụng địa vị lãnh đạo của mình để thay đổi ranh giới hành chính các địa phương trong thời gian tại vị nhằm làm lợi cho mình trong bầu cử, việc xác định ranh giới và phân chia đơn vị bầu cử nên được giao cho một cơ quan độc lập chịu trách nhiệm. Ví dụ như ở Úc, công việc đó là của Hội đồng Bầu cử Austrlia, một cơ quan hiên đinh, độc lập về chính trị, không trực thuộc quốc hội, cũng không của chính phủ.

Hạt South Essex sau khi vẽ lại. Biếm họa được đăng trên một tờ báo ở Boston, Massachusetts, vào tháng 5/1812

Ở Việt Nam dưới thời cộng sản, trong suốt hàng chục năm, việc sửa lại địa giới hành chính, sáp nhập hay chia tách tỉnh cũng xảy ra không ít lần. Ví dụ Hà Đông và Sơn Tây sáp nhập thành tỉnh Hà Tây (năm 1965), 10 năm sau lại ghép thêm với Hòa Bình thành Hà Sơn Bình. Năm 1991, Hà Sơn Bình tách thành Hà Tây và Hòa Bình như giai đoạn từ 1965 đến 1975. Việc sáp nhập, chia tách này dĩ nhiên không nhằm điều chỉnh dân số và người đại diện cho phù hợp, mà xuất phát từ những mục đích chỉ chính quyền biết. Và trên thực tế, luôn luôn có một nhóm người hưởng lợi lớn từ việc đó, trong đó có những người may mắn, nhưng đa số hưởng lợi là do nắm lợi thế về thông tin quy hoạch, một cách bất công.

Riêng nhân dân các địa phương bị “ghép, nhập” thì luôn khổ sở, vì mỗi lần địa phương thay đổi ranh giới hành chính là lại một lần cư dân phải làm lại hết giấy tờ. Tệ hơn nữa, dân còn phải chịu thiệt thòi trong quá trình dịch chuyển, mua bán nhà và đất, bởi họ không có thông tin, họ ở địa vị bất lợi. Hẳn là bạn đọc nào cũng đã từng nghe những chuyện, những giai thoại kiểu như “nhà nọ bán đất, vừa bán hôm trước thì hôm sau giá mảnh đất họ bán tăng gấp cả trăm lần”. Đó là bởi vì họ không có may mắn để biết trước thông tin quy hoạch… nhưng tất nhiên đó là một chuyện khác rồi.

Nhược điểm thứ ba của đại diện theo khu vực địa lý, là ngay cả trong một đơn vị cử tri, vẫn có thể có những nhóm thiểu số không được đại diện bởi cộng đồng của họ quá nhỏ yếu, không đủ để có tiếng nói trong quá trình bầu cử. Ta lấy ví dụ, tỉnh Hà Giang có thể có cả một đoàn đại biểu Quốc hội, nhưng trong đó, không ai đại diện cho sắc dân Pu Péo vì cộng đồng người Pu Péo quáít dân (khoảng 600-700 trên cả nước), không đủ để bầu được ai trong đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh.

Hỏi: “Cái status này có nói về Hà Nam Ninh. Trước đây, tôi còn có nghe nói về Cao Bắc Lạng, Hà Tuyên Thái? Nhờ chú chỉ giáo về những địa danh đó và cùng chia sẻ hiểu biết kiến thức lịch sử này (dĩ nhiên là“sự thật”). Xin cảm ơn chú.

Đáp: Đây là trò của Lê Duẩn, theo kế của Lê Đức Thọ. Khi cặp bài trùng này mới ra Bắc, mọi nhân sự cấp tỉnh đều do Trường Chinh bố trí từ trước. Muốn xóa bỏ ảnh hưởng của Trường Chinh, Duẩn gộp nhiều tỉnh lại làm một. Ba bí thư của ba tỉnh nay chỉ còn một (3 chủ tịch, 3 trưởng ty… cũng vậy). Sẽ xảy ra sự tranh giành, Duẩn-Thọ có thể ung dung chọn người trung thành với mình trong ba người. Ở cấp huyện cũng diễn ra theo cùng một bài bản. Vì thế mới xuất hiện những tỉnh mới: Hà-Nam-Ninh, Hà-Sơn-Bình, Lao-Hà-Tuyên, v.v. Việc quản lý một địa bàn rộng vượt quá khả năng của các quan tỉnh, họ càng phụ thuộc sự chỉ đạo của trung ương (tức Duẩn-Thọ). Hy vọng cách giải thích này đáp ứng được câu hỏi của bạn.

(Bạn đọc Duc Dao hỏi nhà văn Vũ Thư Hiên trên facebook cá nhân của ông Vũ Thư Hiên, ngày 26/1/2017).

Đại diện theo tỷ lệ

Đại diện theo tỷ lệ tức là mỗi thành phần, mỗi nhóm trong xã hội đều có đại diện (trong Quốc hội hoặc cơ quan nhà nước nào khác có bầu cử) với số lượng tỷ lệ thuận với dân số của thành phần hay nhóm xã hội đó.

Ưu điểm: Hình thức đại diện này nhằm đảm bảo các cộng đồngkhác nhau trong xã hội đều được có tiếng nói. Xã hội như vậy sẽ có khá đa dạng tiếng nói, và những cơ quan dân cử như quốc hội cũng vậy. Sẽ không nhóm nào không được có đại diện, dù họ là thiểu số đến đâu.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là chúng ta chia xã hội thành các thành phần, nhóm hay cộng đồng khác nhau căn cứ vào tiêu chí hay đặc điểm gì. Chẳng hạn:

  • Nếu theo sắc tộc, cả nước Việt Nam có 54 nhóm (trong đó Kinh là nhóm đông dân nhất, do đó, sẽ phải có số lượng người đại diện cao nhất).

  • Nếu theo tôn giáo, cả nước sẽ phải có hàng chục nhóm, trong đó có cả nhóm những người “không theo tôn giáo nào”– họ cũng cần được đại diện.1

  • Nếu theo ngôn ngữ…

  • Nếu theo nghề nghiệp…

  • Nếu theo thành phần kinh tế…

  • Nếu theo học vấn, giáo dục, thu nhập…

Bạn thấy đấy, việc xác định một cơ sở để phân nhóm rất phức tạp, gây tranh cãi, và đó là nhược điểm thứ nhất của đại diện theo tỷ lệ. Hình thức đại diện này còn một số nhược điểm khác như sau:

Thứ hai, nó giữ nguyên sự phân loại và phân nhóm trong xã hội, cũng như ấn định luôn một nhóm, ngay từ đầu, là đa số hay thiểu số (để từ đó ấn định số lượng người đại diện cho nhóm). Rất khó có sự thay đổi một nhóm từ thiểu số thành đa số hay ngược lại.

Rất khó thống kê được chính xác số lượng tôn giáo và các nhóm tôn giáo ở Việt Nam, nhất là khi dưới thời cộng sản, có nhiều nhóm hoạt động ngầm, không đăng ký và không chấp nhận sự kiểm soát của chính quyền. Họ không được chính quyền thừa nhận, thậm chí còn bị đàn áp nặng nề.

Nếu chỉ xét những nhóm có đăng ký, tính đến đầu năm 2016, ở Việt Nam có 40 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo được công nhận. (Số liệu do Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Nguyễn Thiện Nhân cung cấp cho Đức Hồng y Reinhard Marx – Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức – trong chuyến thăm Việt Nam của Đức Hồng y vào tháng 1/2016).

Thứ ba, nó duy trì và có thể thúc đẩy mâu thuẫn trong xã hội. Cũng có những ý kiến cho rằng đại diện theo tỷ lệ làm xã hội mất ổn định về chính trị.

Ở các nước dân chủ, các nhóm thiểu số có xu hướng tự tổ chức mình lại thành đảng phái. Người ta cho rằng các đảng, với tư cách là những tổ chức làm chính trị chuyên nghiệp, sẽ là đại diện tốt nhất và sẽ bảo vệ lợi ích của thành viên đảng mình cũng như của những người mà nó đại diện. Tuy nhiên, phân loại theo lợi ích, đường lối chính trị, ý thức hệ thì không thể phân chia cả xã hội được vì có những người, những nhóm người chẳng theo đường lối chính trị, ý thức hệ nào; trong khi đó, nguyên tắc của việc phân loại là không để sót thành phần nào không thể xếp loại.

Hệ thống tuyên giáo (tuyên truyền - giáo dục) cộng sản Việt Nam thường cố làm cho dân chúng nghĩ rằng “đảng nào thì cũng chỉ lo cho quyền lợi của đảng ấy thôi”, nhiều đảng thì sẽ có sự tranh giành quần chúng, và chia rẽ, gây mất ổn định chính trị. Kết luận của cộng sản: Đa đảng là loạn.

Thật ra, vốn dĩ hình thức đại diện theo tỷ lệ có thể tạo ra cạnh tranh và mâu thuẫn giữa các lợi ích khác nhau, cũng như thuộc tính cố hữu của chính trị là mâu thuẫn, cạnh tranh và hợp tác. Điều quan trọng là làm sao để tất cả các nhóm thiểu số đều có đại diện do họ bầu ra, đều có tiếng nói, và được bảo vệ thích hợp, trong khi người thắng cử vẫn là người được đa số phiếu bầu.

Đại diện theo tỷ lệ và có ưu tiên cho thiểu số

Một trong các nguyên tắc của dân chủ, như đã nêu ở đầu Phần III này, là tất cả mọi người đều phải được có tiếng nói. Như vậy, trong trường hợp có những nhóm nhỏ quá, không đủ để có đại diện trong quốc hội, thì để đảm bảo quyền lợi cho họ, phải dành sẵn cho họ một số lượng ghế nhất định. Ví dụ, cộng đồng người Pu Péo phải luôn có sẵn một ghế trong quốc hội, ở bất kỳ khóa nào. Đó là sự ưu tiên cho thiểu số.

Tất nhiên, không phải ai cũng tán đồng việc dành ưu tiên cho thiểu số thiệt thòi, vì thế vấn đề này vẫn có thể gây tranh cãi và chia rẽ. Khi đó, hoặc khi vị đại diện của nhóm thiểu số kia cũng quá yếu kém về năng lực để có thể bảo vệ quyền lợi của nhóm mình, có thể tạo một cơ chế để ông/bà ta không tham gia tiến trình ra quyết định nữa, nhưng vẫn được tham vấn đầy đủ và thậm chí giữ vai trò cố vấn. Như đã nói, điều quan trọng để thực thi dân chủ là làm sao để, dù đa số thắng thiểu số, nhưng tất cả các nhóm thiểu số đều có đại diện do họ bầu ra, đều có tiếng nói, và được bảo vệ thích hợp.

results matching ""

    No results matching ""