Chương I
ĐỊNH NGHĨA CHÍNH TRỊ
Đã có nhiều định nghĩa của các học giả trên thế giới về chính trị.
Sau đây là bốn định nghĩa, được xếp theo thứ tự từ hẹp đến rộng, và các diễn giải, bình luận về từng định nghĩa.
1. Chính trị là quá trình ra các chính sách công (chính sách công, tức là các chính sách của chính quyền).
2. Chính trị là việc giành, giữ và thực thi quyền lực nhà nước, do các đảng phái, tổ chức chính trị, và các cá nhân là chính trị gia thực hiện.
Với hai định nghĩa trên, ta thấy rằng chính trị chỉ diễn ra trong chính trường. Nói cách khác, chính trị chỉ diễn ra trong hệ thống các tổ chức xã hội vận hành xoay quanh bộ máy nhà nước: phòng họp nội các, văn phòng chính phủ, các cơ quan chính phủ, văn phòng quốc hội, cùng lắm thì thêm trụ sở của các cơ quan dân cử và hành chính, mà ở Việt Nam gọi là ủy ban nhân dân và hội đồng nhân dân – tức là những cơ quan có chức năng và giữ quyền ban hành chính sách. (Không bao gồm tòa án, nếu như tòa án không phải nơi ban hành chính sách; tương tự, không bao gồm công an, quân đội).
Và công việc chính trị, hiểu theo hai định nghĩa trên, chỉ do một thiểu số thực hiện, thiểu số đó là các đảng phái, tổ chức chính trị và chính trị gia. Còn chính trị gia thì là các quan chức nhà nước (có thể có cả công chức, cán bộ). Nếu ở trong thể chế độc đảng thì chính trị chỉ do các thành viên cao cấp nhất, tinh hoa nhất của đảng ấy thực hiện.
Trong khi đó, mọi người dân, tổ chức xã hội dân sự, cùng các hoạt động xã hội, v.v. đều không thuộc về chính trị. Nói theo cách nói của các nhà tuyên giáo của đảng Cộng sản, chính trị là chuyện của “Đảng và Nhà nước”, “đã có Đảng và Nhà nước lo”.
Đó là cách hiểu về chính trị theo hai định nghĩa hẹp.
Trong tiếng Anh, chính trị là “politics”. Từ này bắt nguồn từ một từ tiếng Hy Lạp, “polis”, nghĩa là “thành bang”, phát triển thành “politics” – “chuyện của thành bang”, “những gì liên quan tới thành bang”.
3. Chính trị là những gì diễn ra trong “lĩnh vực công”, tức những gì thuộc không gian chung, của cộng đồng. (Từ “công” ở đây nghĩa là “chung, của chung”). Còn những gì diễn ra trong lĩnh vực tư, không phải của cộng đồng, thì là phi chính trị.
Vậy, chính phủ, quốc hội, tòa án, quân đội, công an, các tổ chức chính trị/ xã hội… là những thực thể chính trị vì chúng là “của chung”, thuộc về không gian công: Chúng chịu trách nhiệm về cộng đồng, hoạt động bằng tiền của cộng đồng, vì lợi ích cộng đồng. Còn gia đình, doanh nghiệp tư nhân, công đoàn, câu lạc bộ… là phi chính trị, vì chúng do tư nhân thành lập, hoạt động bằng tiền tư nhân, vì lợi ích tư, và tự quản.
(Các bạn lưu ý: Từ “công đoàn” không hàm ý rằng nó là tổ chức công, “của cộng đồng”. Từ “công” trong “công đoàn” có nghĩa là việc, ta thấy nó trong các từ ghép như “công điểm”, “công lao”, “công nghiệp”, v.v. Công đoàn là tổ chức tranh đấu, bảo vệ quyền lợi của người lao động).
Với định nghĩa này, chính trị nằm ngoài lĩnh vực tư, nằm ngoài không gian tư nhân. Chính trị không liên quan đến các vấn đề tư nhân, các lĩnh vực thuộc tư nhân như: gia đình, công ty, quan hệ giữa các cá nhân, xã hội dân sự.
Lưu ý là xã hội dân sự, theo định nghĩa này, cũng nằm ngoài chính trị. Quan niệm đó từng là lý do làm nảy sinh tranh cãi xoay quanh các tổ chức xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam (Con Đường Việt Nam, Mạng Lưới Blogger Việt Nam, Vì Một Hà Nội Xanh…): Nhiều người cho rằng đã gọi là “xã hội dân sự” thì phải phi chính trị, do đó, việc các tổ chức này tiến hành các hoạt động đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền là không đúng; cần phải tách biệt giữa chính trị và dân sự. Riêng dư luận viên còn lập luận: Đó là các tổ chức “mượn vỏ bọc xã hội dân sự” để chống phá nhà nước.
Ở khía cạnh khác, nhiều người khác cũng nhận định, việc các đảng phái hoặc tổ chức chính trị (đảng Việt Tân, Tập hợp Dân chủ Đa nguyên…) tham gia những hoạt động của xã hội dân sự là không đúng; cần phải tách biệt giữa chính trị và dân sự.
Hai luồng quan điểm đối lập đó thực chất xuất phát từ cách hiểu về khái niệm chính trị theo định nghĩa thứ ba nêu trên: tách biệt công và tư. Chúng cũng xuất phát phần nào từ định nghĩa thứ hai: Chính trị là việc giành, giữ và thực thi quyền lực nhà nước của các đảng phái và chính trị gia, không phải việc của xã hội dân sự.
4. Chính trị là việc gây ảnh hưởng lên những người khác, chẳng hạn và rõ rệt nhất là tác động lên chính sách.
Đây là định nghĩa rộng nhất về chính trị. Với định nghĩa này, chính trị có mặt trong tất cả các hoạt động xã hội, tương tác xã hội. Chính trị hiện diện ngay trong gia đình, trong mọi nhóm người, mọi cộng đồng, mọi quốc gia.
Ta thường nghe những câu nhận xét kiểu như: “Tằng đó chính trị lắm!”, hàm ý một người nào đó cư xử khôn khéo, lấy lòng người khác lắm. Dùng từ như vậy không có gì sai, nếu ta hiểu chính trị theo định nghĩa thứ tư: Chính trị là gây ảnh hưởng, mà muốn gây ảnh hưởng thì một trong những cách làm là phải khôn khéo, lấy lòng người khác. Làm chính trị chẳng qua là vận động, thuyết phục để gây ảnh hưởng. Vậy nên ngay cả sếp cũng có thể “làm chính trị” với nhân viên và ngược lại. Tương tự, vợ chồng cũng có thể “làm chính trị” với nhau, bố mẹ “làm chính trị” với con cái.
Bạn có thể coi đấy là giả dối, nhưng nếu quan niệm “chính trị là nghệ thuật vận động” thì bạn cũng có thể nghĩ khác.
Trên đây là bốn định nghĩa về chính trị, xếp theo thứ tự từ cách hiểu hẹp đến cách hiểu rộng. Không định nghĩa nào là tuyệt đối đúng hoặc sai, chỉ có rộng hay hẹp mà thôi. Xin để bạn tùy ý chọn một định nghĩa mà bạn thích.
Với cách hiểu chính trị theo định nghĩa thứ tư nói trên (rộng nhất), thì các hoạt động chính trị chính là các hoạt động nhằm gây ảnh hưởng, tác động tới nhà nước và các chính sách. Đây sẽ là nội dung của chương tiếp theo.